Công ty gia công ép nhựa theo yêu cầu

Tin Tức

Phát triển cây bông vải: Cần nỗ lực từ nhiều phía

( 20-08-2015 - 10:19 PM ) - Lượt xem: 2284

Mỗi năm ngành dệt may tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông. Dự báo đến năm2020 nhu cầu bông của Việt Nam sẽ là 600.000 tấn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may phát triển ổn định, từng bước tự túc một phần nguyên liệu, ngày 8/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2010/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai chương trình, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế so với mục tiêu đề ra. Phóng viên “Kinh tế Việt Nam và thế giới” - TTXVN đã trao đổi với ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ , Bộ CôngThương, về một số vấn đề liên quan.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về kết quả  triển khai chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 29/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Phan Chí Dũng: Do điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng nên cây bông vải đã được trồng nhiều ở nước ta. Năm 2003, thực hiện chủ trương gắn kết các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp trồng cây nguyên liệu, Thủ tướng ra quyết định sáp nhập Công ty Bông Việt Nam vào Tổng Công ty Dệt May Việt Nam,nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Sau khi sáp nhập, tình hình trồng cây bông vải có chuyển biến tích cực, đỉnh cao là niên vụ 2002-2003 diện tích trồng bông đạt 32.000 ha, nhưng từ năm 2005 đến 2009 diên tích bông liên tụcgiảm, còn 3.000 ha.

Từ hiện trạng trên, để thúc đẩy phát triển ngành dệt may, Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành,trong đó yêu cầu ngành bông phải xây dựng phát triển cây bông vải. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành bông đã xây dựng chương trình phát triển cây bông vải đến 2015 định hướng đến 2020 và chương trình này đã được Thủ tường phê duyệt tại Quyết định số 29/2010/QĐ-TTg. Sau hai năm thực hiện, cây bông Việt Nam đã từng bước khôi phục và phát triển theo hai hình thức: sản xuất bông phân tán trong nhân dân và sản xuất bông tập trung theo mô hình trang trại có tưới. Với hình thức sản xuất phân tán, diện tích và sản lượng bông đã tăng từ mức hơn 8.000 ha, sản lượng bông xơ đạt 3.900 tấn niên vụ 2009 - 2010 đã lên mức hơn 11.000 ha với sản lượng bông xơ gần 5.000 tấn niên vụ 2011 - 2012. Đối với hình thức sản xuất bông tập trung đã có hai trang trại mẫu, thử nghiệm, đó là trang trại của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, quy mô hơn 54 ha, dùng phương pháp tưới nhỏ giọt của Ixraen và trang trại mẫu 20 ha tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận của Viện Bông Nha Hố. Kết quả thu được từ hai trang trại này rất khả quan. Cây bông sinh trưởng tốt, đặc biệt là cây bông trồng theo phương pháp có nước tưới nhỏ giọt. Năng suất bông hạt đạt trên 2 tấn/ha, dự kiến các năm sau sẽ cho năng suất từ 2,5 đến 3,5 tấn/ha,cao gấp 2-3 lần so với năng suất bình quân hiện tại của ngành bông.        

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế so với mục tiêu đã đề ra. Hiện tổng diện tích trồng bông của cả nước mới đạt 12.000 ha, chỉ hơn 1/3 so với chỉ tiêu 30.000 ha và tổng sản lượng bông xơ đạt xấp xỉ 5.000 tấn, bằng 1/4 so với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2015 là 20.000 tấn theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ.  

PV: Vậy đâu là nguyên  nhân khiến năng suất cũng như diện tích cây bông chưa phát triển mạnh trongthời gian qua?

Ông Phan Chí Dũng: Qua 2 năm triển khai, bên cạnh những thành công,có một số tồn tại cần khắc phục trong công tác triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong chính ngành bông còn đang tồn tại tập quán sản xuất phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành vùng sản xuất bông tập trung lớn, sản xuất nhờ nước trời nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và khi xẩy ra rủi ro thì nông dân lại không tuân thủ hợp đồng với doanh nghiệp. Năng suất bông vải bình quân còn thấp, chỉ đạt 1,2 tấn/ha và có chiều hướng giảm dần. Thêm vào đó, việc triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn chậm, đặc biệt là tuân thủ các biện pháp kỹ thuật nhân giống; việc đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất còn hạn chế. Hơn nữa, hệ thống thủy lợi chưa phù hợp với việc tưới tiêu cho cây bông. Mặc dù giá bông hạt được nâng từ 9.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg tại Bình Thuận, 17.000 -18.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên nhưng giá các cây trồng khác cũng tăng cao nên giá bông vẫn thấp, chưa hấp dẫn nông dân đầu tư phát triển cây bông vải. Việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, cơ giới hóa còn hạn chế nên cây bông vẫn chưa cạnh tranh được với các loại cây lương thực khác như ngô, sắn… Người dân trồng bông lại chủ yếu là người nghèo nên khi vật tư tăng cao, giá thu mua bông hạt thấp người nông dân không muốn đầu tư để phát triển cây bông.

Việc duy trì phát triển cây bông còn khó khăn, nhất là việc cấp đất cho các dự án bông trang trại đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, tới người trồng bông, vì vậy chưa có bước đột phá trong thực hiện Quyết định 29/2010/QĐ-TTg

PV: Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để phát triển cây bông vải trong thời gian tới?

Ông Phan Chí Dũng: Theo tôi, về phía các bộ ngành cần có sự phối hợp hơn nữa để có hướng dẫn những chính sách cụ thể theo Quyết định29/2010/QĐ-TTg, có như thế người trồng bông và doanh nghiệp mới tiếp cận được cơ chế của Nhà nước. Về phía địa phương cũng nên xây dựng phát triển cây bông một cách vững chắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có diện tích đất trồng cây bông trang trại. Lợi thế của trồng bông trang trại sẽ tạo ra năng suất cao, tạo ra mô hình tiên tiến để từ đó tạo điều kiện cho nông dân học tập,triển khai nhân rộng. Hơn nữa, mô hình bông trang trại áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnhtranh cho cây bông.

Về việc triển khai những chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần tiếp tục bố trí vốn từ chương trình khuyến nông để hỗ trợ nông dân; hỗ trợ vốn và kinh phí cho việc dự trữ hạt giống bông, cũng như hỗ trợ cho công tác nghiên cứu cây bông; đồng thời, lập và phê duyệt quy hoạch vùng bông tại một số địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận,Đắk Lắk, Sơn La.../.

Các tin tức khác