Công ty gia công ép nhựa theo yêu cầu

Tin Tức

Thị trường ngành Cơ khí: Cần tạo dựng và bảo vệ

( 30-09-2016 - 10:13 AM ) - Lượt xem: 1490

Doanh nghiệp phải năng động hơn, Chính phủ cần nghiên cứu các biện pháp thích hợp để bảo vệ ngành và ý tưởng thành lập tập đoàn cơ khí cũng đáng để xem xét. Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về phát triển ngành Cơ khí trong thời gian tới

CôngThương - Qua 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí và 2 năm thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm, đánh giá của ông về khả năng thực hiện chiến lược này cũng như những tồn tại cơ bản đang có?

- Nhìn nhận một cách thẳng thắn, sau 9 năm thực hiện, ngành Cơ khí nước ta chưa đạt được mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển đề ra cho năm 2010. Trong 8 nhóm ngành ưu tiên phát triển thì các ngành thiết bị kỹ thuật điện-điện tử, cơ khí đóng tàu, cơ khí xây dựng, một số nhóm sản phẩm của cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến đã đạt được một số tiến bộ đáng kể, còn các nhóm khác vẫn chậm phát triển. Mục tiêu đáp ứng 45-50% nhu cầu trong nước về sản phẩm cơ khí chưa đạt.

Mặc dù Chính phủ đã có những cơ chế - chính sách khuyến khích, hỗ trợ rất cụ thể và không thể phủ nhận rằng nhiều DN cơ khí đã biết tận dụng cơ hội để vươn lên, song nhìn chung ngành Cơ khí vẫn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém cơ bản, như: Chưa tạo được bước đột phá trong lĩnh vực cơ khí chế tạo; trình độ công nghệ chung của ngành vẫn ở mức trung bình đến trung bình thấp; năng lực thiết kế rất hạn chế.

Ngành Cơ khí vẫn cần phải phát triển mạnh nếu chúng ta muốn trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Xét theo mục tiêu này thì các định hướng cơ bản (tầm nhìn đến 2020) của chiến lược vẫn phù hợp, tuy sẽ phải xem xét điều chỉnh một số nội dung cụ thể cho thời gian tới.

Định hướng, cơ chế và hành lang pháp lý cho phát triển ngành cơ khí đã có nhưng quá trình thực hiện lại nảy sinh nhều vướng mắc, theo ông, vấn đề cụ thể cần giải quyết ngay là gì?

- Những vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện chiến lược, theo tôi, nguyên nhân từ phía chỉ đạo, điều hành và phía DN. Đôi khi do nhận thức chưa thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan, do các quy định của pháp luật được hiểu và vận dụng khác nhau... nên việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như văn bản hướng dẫn của các bộ còn sự chậm trễ, bất cập.

Vấn đề cần tập trung giải quyết sớm là DN phải tăng cường hợp tác, liên kết, tránh đầu tư khép kín, trùng lắp; cùng nhau khai thác thị trường để tồn tại, phát triển và đối phó với sự cạnh tranh từ bên ngoài. Các DN cần xem xét khả năng hợp nhất, mua-bán DN để tăng sức cạnh tranh; trước mắt cần tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò các hiệp hội. Tập trung đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, trước hết ở các khâu then chốt, quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm bởi đây là 2 yếu tố đặc biệt quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về phía Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo vệ và tạo dựng thị trường cho ngành Cơ khí. Trong đó, rà soát, điều chỉnh chính sách thuế, đảm bảo ổn định lâu dài và tạo động lực khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm cơ khí. Tăng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho nghiên cứu - ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ.

Có ý kiến cho rằng, để có ngành Cơ khí thực sự phát triển và đủ sức cạnh tranh thì cần thành lập một tập đoàn thuộc Nhà nước, quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

- Việc thành lập Tập đoàn cơ khí không phải là một ý tưởng tồi, vì mô hình tập đoàn cho phép tập trung nguồn lực, tạo được sự liên kết giữa các DN, nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, về nguyên tắc tập đoàn sẽ chỉ phát huy thế mạnh thực sự nếu được hình thành trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu khách quan các DN phải liên kết với nhau, gắn bó về quyền lợi với nhau. Cũng không nhất thiết tập đoàn phải là DN nhà nuớc, sự hỗ trợ của Nhà nước thì bất cứ DN nào cũng có thể được hưởng nếu đáp ứng được các tiêu chí đề ra.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, vai trò của DN nhà nước vẫn hết sức quan trọng, vì thế tôi ủng hộ quan điểm cần nghiên cứu khả năng thành lập Tập đoàn cơ khí nhà nước trên cơ sở sắp xếp lại các DN nhà nước về cơ khí hiện có.

 Một trong những yếu kém trong phát triển ngành Cơ khí là thiếu liên kết, sản xuất chưa theo nhu cầu thị trường, để khắc phục hạn chế này, theo ông các DN và bộ, ngành liên quan cần làm gì? Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương có đề xuất hoặc kế hoạch cụ thể nào để thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí và các chương trình cơ khí trọng điểm trong thời gian tới?

- Tính liên kết, hợp tác kém là một trong những tồn tại lớn nhất của ngành Cơ khí nước ta. Để khắc phục tồn tại này, bản thân các DN phải nhận thức được sự cần thiết mang tính sống còn của việc liên kết, hợp tác trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện tổng kết 9 năm thực hiện QĐ 186/2002/QĐ-TTg và sơ kết 2 năm thực hiện QĐ 10/2009/QĐ-TTg, trong đó sẽ nhận diện, phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, từ đó sẽ đề xuất với Chính phủ những giải pháp cho 10 năm tới. Ngoài ra, với chức năng của mình, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho ngành Cơ khí tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa.

Các tin tức khác